Cung cấp nhiều thông tin về sắp thời khóa biểu, môn tự nguyện, giờ chính khóa
Sáng nay, 4.10, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban giáo dục cấp tiểu học. Chủ đề nhiều thầy cô, phụ huynh đang quan tâm đó là việc sắp xếp thời khóa biểu, tổ chức môn tự nguyện, môn bắt buộc.
Tại hội nghị, cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: "Về cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục tăng cường trong giáo dục tiểu học: Khi đã thực hiện đủ định mức tiết dạy của giáo viên hiện có, nhà trường có trách nhiệm thực hiện khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhu cầu, sở thích của học sinh. Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và điều kiện cụ thể của nhà trường".
"Những nội dung cần lưu ý về cách thức triển khai đối với hoạt động giáo dục STEM: Thực hiện theo Công văn số 909/BGDDT-GDTH ngày 8.3.2023 về việc hướng dẫn thực hiện hoạt động giáo dục STEM đối với cấp tiểu học. Theo đó, hoạt động chủ yếu là thực hiện bài học STEM được tích hợp vào các môn học chính khóa là nhiệm vụ của giáo viên và nhà trường. Đây là hoạt động chính khóa, là nhiệm vụ của nhà trường, của giáo viên", cô Lâm Hồng Lãm Thúy nhấn mạnh.
Về những nội dung cần lưu ý trong cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục tăng cường trong giáo dục tiểu học, cô Lâm Hồng Lãm Thúy khẳng định "Không xếp môn tự nguyện vào giờ chính khóa nếu lớp có học sinh không tham gia".
Cụ thể, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Không được gây quá tải, không được ép học sinh tham gia, không được xếp lịch của hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp học có những học sinh không có nhu cầu đăng ký tham gia, cần sắp xếp linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường, số lượng đăng ký của học sinh từng lớp để tạo điều kiện thuận lợi cho người học, nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến các học sinh khác. Đối với những học sinh không đăng ký, nhà trường có thể sắp xếp cho học sinh tham gia các câu lạc bộ, hoạt động khác phù hợp do giáo viên nhà trường thực hiện trong cùng khung giờ".
Cô Lâm Hồng Lãm Thúy nhấn mạnh các trường phải thực hiện nghiêm túc, bài bản việc khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về các hoạt động tự nguyện, để biết học sinh nào đồng ý tham gia, học sinh nào không đồng ý tham gia các hoạt động giáo dục tự nguyện này.
Điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của TP.HCM năm học 2023-2024
Tại hội nghị, cô Lâm Hồng Lãm Thúy trình bày về kế hoạch giáo dục cấp tiểu học; kế hoạch giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đang thực hiện) theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và kế hoạch giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của TP.HCM, năm học 2023-2024.
Theo kế hoạch giáo dục dạy học 2 buổi/ngày chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đang thực hiện) từ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT áp dụng chung trong cả nước, các môn bắt buộc là tiếng Việt, toán, đạo đức, tự nhiên xã hội, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, công nghệ, tin học (lớp 3, 4, 5), ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5), lịch sử và địa lý (lớp 4, 5). Hoạt động giáo dục bắt buộc là hoạt động trải nghiệm. Các môn tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số từ lớp 1 tới lớp 5; ngoại ngữ tự chọn (với lớp 1, 2).
Còn kế hoạch giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của TP.HCM, năm học 2023-2024 có điểm mới là trong hoạt động giáo dục bắt buộc, ngoài hoạt động trải nghiệm còn có hoạt động tích hợp các nội dung vào môn học: giáo dục STEM; giáo dục địa phương; an toàn giao thông, kỹ năng công dân số.
Cũng tại hội nghị giao ban giáo dục cấp tiểu học sáng nay, 4.10, cô Lâm Hồng Lãm Thúy dẫn ra Văn bản 3819/BGDĐT-GDTH ngày 31 tháng 7 năm 2023 của Bộ GD-ĐT về vấn đề hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2023-2024. Theo đó, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, đối với lớp 1, 2, 3 và 4, bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học, có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học, hoạt động giáo dục và tổ chức dạy học hai buổi/ngày theo quy định.
Thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tổ chức các hoạt động củng cố để học sinh hoàn thành nội dung học tập, các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh… Tổ chức dạy học 2 buổi ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; thực hiện kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi tuần với 32 tiết tuần.