Sáng 13.10,ủtịchTPHCMQuyđịnhchồngchéokhiếncánbộbănkhoănkhithammưvar bên lề hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có cuộc trao đổi ngắn với báo chí về câu chuyện "e dè", "sợ sai" của cán bộ và những giải pháp mà thành phố đang tính toán để xây dựng đội ngũ năng động, sáng tạo.
Qua sự kiện gặp gỡ lãnh đạo cấp phòng ngày 11.10, ông nắm bắt được những tâm tư gì của cán bộ?
UBND TP.HCM sẽ phát hành thông báo kết quả cuộc đối thoại và có chỉ đạo sắp tới. Ví dụ lãnh đạo cấp phòng làm gì, lãnh đạo các cơ quan làm gì, lãnh đạo thành phố làm gì để thống nhất.
Cần nói lại là không phải anh em không làm gì thì UBND TP.HCM mới tổ chức cuộc họp đó. Mà do trong quá trình làm việc có những vướng mắc thì lãnh đạo thành phố muốn lắng nghe để thống nhất.
Qua sự kiện, chúng tôi có những thống nhất rất cơ bản là bây giờ việc gì đúng quy định cứ tham mưu nhanh, việc gì có quy định mà quy định chồng chéo thì nghiên cứu tất cả để vận dụng làm sao giải quyết công việc vì lợi ích chung cho tốt.
Khi cấp phòng chuyển lên, lãnh đạo cấp sở xem xét, quyết định thì phải chịu trách nhiệm. Nếu lãnh đạo sở thấy còn lấn cấn, còn vướng thì trình UBND TP.HCM và Thường trực UBND TP.HCM phải quyết định và chịu trách nhiệm việc đó. Phó chủ tịch phụ trách thấy chưa an tâm thì trình chủ tịch, và tôi sẽ là người quyết định và chịu trách nhiệm. Cuộc họp vừa rồi đã thống nhất như vậy.
Ngoài tâm tư thì lãnh đạo cấp phòng có những nguyện vọng gì, thưa ông?
Có 3 nhóm. Nhóm 1 là thực hiện chức năng nhiệm vụ, chủ yếu liên quan các quy định của pháp luật, có cái chưa có, có cái chồng chéo giữa các luật với nhau. Đây là điều mà anh em băn khoăn nhiều nhất. Anh em băn khoăn bây giờ chưa có mà tôi làm thì sau này ra sao, nếu chồng chéo tôi làm theo luật này thì luật khác ra sao.
Do vậy, lãnh đạo cấp phòng mong muốn phải hoàn thiện pháp lý, thể chế, thống nhất giữa người làm, người kiểm tra. Còn người làm hiểu pháp luật thế này, người kiểm tra hiểu pháp luật thế khác cũng khó cho anh em.
Nhóm 2 băn khoăn về điều kiện làm việc là quy trình, quy định phân công giao việc, hướng dẫn, hỗ trợ của lãnh đạo, sự phối hợp giữa các phòng, phối hợp các sở với nhau làm sao công việc nó thông suốt.
Nhóm thứ 3 là chính sách, nổi lên nhiều nhất là thu nhập và nhà ở.
Sẽ có chính sách khen thưởng, tôn vinh
Đối với những cán bộ năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, TP.HCM sẽ làm gì để khơi gợi, làm lan tỏa tinh thần đó?
Việc này TP.HCM vẫn làm thường xuyên qua đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng quý để xếp hạng, chi thu nhập tăng thêm. Ngoài ra, TP.HCM còn khen thưởng đột xuất, đánh giá hằng năm.
Trong buổi gặp gỡ, có ý kiến đề xuất thành phố tổ chức gặp mặt thường xuyên, theo hướng thường niên, động viên, khen thưởng. TP.HCM sẽ nghiên cứu đề xuất đó bởi làm gì cũng cần tính toán lâu dài, bài bản. TP.HCM cũng đang nghiên cứu một giải thưởng ví dụ như giải thưởng cho công chức hoặc hình thức tôn vinh.
Công chức cống hiến rất nhiều nhưng bây giờ bị nhiều người nhìn qua lăng kính tiêu cực, nhũng nhiễu. Cái nhìn đó rất sai lệch.
Câu chuyện cán bộ sợ sai, e dè được đề cập nhiều. TP.HCM sẽ làm gì để chấm dứt hoặc cải thiện tình trạng này?
Chấm dứt là không thể chấm dứt, ngay các nước phát triển, tình trạng này vẫn còn ở tỷ lệ, mức độ nhất định. Ví dụ các tệ nạn xã hội ở nước nào cũng có, cái này cũng vậy.
Không có chủ trương, biện pháp nào làm một cái là thay đổi ngay hoàn toàn từ đen sang trắng. Kể cả chúng ta, ai cũng muốn ngày mai tốt đẹp lên, nhưng ngủ một giấc sáng dậy cũng khó chuyển biến ngay mà chuyển biến từ từ. Không có hội nghị, biện pháp nào có thể thay đổi liền được.
Tại TP.HCM, từ đầu năm đến giờ, tình hình đã có những cải thiện. Nếu không cải thiện thì thời gian qua, chắc chắn không thể tải được khối lượng công việc khổng lồ. TP.HCM đã nỗ lực vượt qua khó khăn về kinh tế - xã hội, cụ thể hóa Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.
Mình đo lường phải đo bằng kết quả cụ thể, không thể nói chung chung.